Liên tiếp những vụ camera quay lén bị phát giác khiến dư luận rúng động

Trong những ngày gần đây, liên tiếp những vụ gắn camera giấu kín ở các vị trí nhạy cảm để quay lén đã bị phát giác, khiến dư luận xôn xao và phẫn nộ.

Đầu tiên là trường hợp xảy ra vào ngày 23/6 tại một studio chụp ảnh ở quận 3, TPHCM. Sự việc xảy ra khi nữ người mẫu nổi tiếng Châu Bùi có buổi thử đồ chụp ảnh cho một nhãn hàng tại studio này.

Chiếc camera quay lén ngụy trang trong hình thù đồng hồ và hình ảnh nữ người mẫu bị ghi lại (Ảnh: Facebook nhân vật).

Khi đến studio, ê-kíp của nữ người mẫu này đã kiểm tra kỹ không gian của studio và quyết định thay đồ trong nhà vệ sinh để đảm bảo sự riêng tư, tránh bị camera giám sát ghi hình.

Tuy nhiên, sau khoảng 30 phút thay đồ, nữ người mẫu này nhìn thấy một chiếc đồng hồ có gắn camera quay lén được giấu ở góc phòng vệ sinh.

Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, Châu Bùi đã phối hợp với chủ studio tiến hành kiểm tra nội dung của camera an ninh và phát hiện một đối tượng nam khả nghi, liên tục ra vào nhà vệ sinh nữ nhiều lần. Người này sau đó đã thừa nhận hành vi đặt camera giấu kín bên trong phòng vệ sinh nữ.

Ê-kíp của nữ người mẫu đã trình báo sự việc lên công an phường gần nhất để cơ quan chức năng xử lý vụ việc.

Một sự việc tương tự vừa được công an quận Hà Đông, Hà Nội, công bố vào chiều 26/6.

Theo đó, vào ngày 18/4, chị Y. (sinh năm 2004, ở Bắc Giang) phát hiện trong nhà tắm cá nhân của phòng trọ chị đang thuê của ông L.V.N. tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, có lắp một camera giấu dưới đèn nhà vệ sinh. Chị Y. đã lập tức trình báo sự việc với công an quận Hà Đông.

Ngoài chị Y., còn 2 người bạn khác là chị L. và chị T. (đều sinh năm 2004) cũng đang thuê phòng trọ của ông L.V.N.

Hình ảnh camera giấu kín được ông N. lắp trong nhà vệ sinh các phòng trọ (Ảnh: Hoàng Tuấn).

Tại cơ quan công an, ông N. khai nhận khoảng tháng 6/2023, xuất phát từ ham muốn của bản thân muốn xem lén người thuê phòng là nữ tắm, ông đã lên mạng xã hội đặt mua 3 bộ camera về lắp vào phòng tắm của các phòng 401, 402 và phòng trọ tại tầng 5.

Sau đó, ông N. thường xem video trực tiếp trên điện thoại hoặc lưu lại trên ứng dụng của camera để xem lại. Những hình ảnh, video trên, ông N. cam đoan không phát tán, chia sẻ cho bất kỳ ai hay đưa lên mạng xã hội. Tại cơ quan công an, ông N. đã nhận thức hành vi vi phạm của bản thân.

Công an quận Hà Đông sau đó xác định hành vi của ông N. trong vụ việc nêu trên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ đến mức xử lý vi phạm hành chính.

Ngày 28/5, Chủ tịch UBND quận Hà Đông đã ra quyết định xử phạt đối với ông N. về hành vi trên, với mức phạt tiền 12,5 triệu đồng; đồng thời buộc ông N. hủy bỏ các video, hình ảnh lưu trong điện thoại di động của mình.

Camera quay lén bán tràn lan, dễ dàng mua được trên mạng

Một điều đáng lo ngại đó là nhiều loại camera quay lén, ngụy trang tinh vi đang được rao bán một cách công khai trên internet, càng làm tăng nguy cơ kẻ xấu sử dụng vào mục đích xấu.

Tìm kiếm trên Google với từ khóa "Camera quay lén" hoặc "Camera giấu kín", hàng loạt trang web đang rao bán công khai các thiết bị này, với mức giá dao động từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng.

Các loại camera quay lén được rao bán tràn lan trên internet, ngụy trang trong nhiều kiểu dáng khác nhau (Ảnh chụp màn hình).

Các loại camera quay lén được ngụy trang tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm giấu kín trong cục sạc điện thoại, đầu bút bi, hộp đựng khăn giấy, đồng hồ để bàn… đây đều là những vật dụng quen thuộc trong các phòng khách sạn, nhà nghỉ, do vậy, kẻ xấu có thể lợi dụng để đặt camera quay lén ghi lại các hình ảnh nhạy cảm mà nạn nhân không hề hay biết.

Trong vai một người có nhu cầu mua camera quay lén, phóng viên Dân trí đã liên hệ với một trang web chuyên kinh doanh các loại camera, thiết bị giám sát.

Phía cửa hàng cho biết các loại camera quay lén được ngụy trang dưới nhiều hình dạng khác nhau, có khả năng quay hình và ghi âm chất lượng cao, một số loại có chức năng kết nối WiFi để chuyển trực tiếp hình ảnh ra bên ngoài, nhưng đa phần camera quay lén đều dùng thẻ nhớ để lưu hình ảnh trực tiếp trên thiết bị.

Người bán cũng cho biết nhu cầu mua camera quay lén khá cao, nhưng sản phẩm luôn có sẵn để cung cấp cho người dùng. Tuy nhiên, phía người bán lại không cho biết những loại camera quay lén này có nguồn gốc xuất xứ từ đâu.

Kinh doanh camera quay lén có vi phạm pháp luật không?

Phóng viên Dân trí đã trao đổi với luật sư Cao Trần Nghĩa, đoàn luật sư TPHCM, về việc kinh doanh các loại camera quay lén, thiết bị ghi hình, ghi âm bí mật có vi phạm pháp luật hay không?

Luật sư Nghĩa cho biết, theo Nghị định 66/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 05 năm 2017 về Điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị… thì các thiết bị này chỉ được phép kinh doanh bởi các cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc cơ sở kinh doanh khác được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Luật sư Cao Trần Nghĩa, thành viên đoàn luật sư TPHCM (Ảnh: NVCC).

Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh hợp pháp cũng chỉ được bán thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình cho đối tượng được pháp luật cho phép sử dụng các biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật, đó là: Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; cơ quan có trách nhiệm thi hành biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật theo điều kiện, thẩm quyền, thủ tục về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt do Bộ luật tố tụng hình sự quy định (khoản 5 Điều 11 Nghị định 66).

Các hành vi sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, cho thuê, sửa chữa trái phép các thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị đều bị pháp luật nghiêm cấm (theo Điều 5 Nghị định 66).

Hoạt động kinh doanh khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự hợp pháp có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng với cá nhân, đến 40 triệu đồng với tổ chức, đình chỉ hoạt động đến 9 tháng, trục xuất nếu là cá nhân nước ngoài (theo Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Từ đó cho thấy, người bán, kinh doanh các loại camera giấu kín là các đối tượng được kiểm soát chặt chẽ. Những người không có thẩm quyền mua và sử dụng các loại camera quay lén cũng là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, luật sư Nghĩa cho biết thêm, ở góc độ quản lý sử dụng, pháp luật Việt Nam chỉ có quy định quản lý việc sở hữu và sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật được trang bị bằng ngân sách nhà nước.

Vì thế, nhìn chung, pháp luật chưa có nhiều quy định quản lý chi tiết và cụ thể về việc tàng trữ, sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình nói chung, cũng như các loại camera chuyên dụng như camera giấu kín, camera siêu nhỏ.

Dù vậy, pháp luật quy định chặt chẽ và có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi thu thập, tàng trữ, sử dụng hoặc phát tán trái phép các nội dung ghi âm, ghi hình.

Việc ghi hình người khác bằng camera và sử dụng cho mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm… có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với án tù lên đến 5 năm (Ảnh minh họa: Getty).

Ví dụ việc ghi hình bằng camera mà không có sự đồng ý của cá nhân là vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 20 triệu đồng, theo Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Hành vi sử dụng hình ảnh từ camera cho mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 về "Làm nhục người khác" (theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017), trong đó tình tiết tăng nặng là "sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội" với khung hình phạt từ 2 đến 5 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Luật sư Nghĩa cho biết thêm, ở góc độ dân sự, mọi cá nhân có quyền đối với hình ảnh của chính mình và việc sử dụng hình ảnh của một cá nhân phải được người đó đồng ý (theo Điều 32 Bộ luật dân sự 2015) và danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân cũng là bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo vệ (theo Điều 34 Bộ luật dân sự 2015).

Cá nhân, tổ chức có hình ảnh, nhân phẩm bị xâm phạm thông qua việc sử dụng camera giấu kín để ghi hình có thể tự yêu cầu, hoặc thông qua cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, người xâm phạm chấm dứt hành vi, buộc xin lỗi, cải chính công khai và buộc phải bồi thường thiệt hại (theo Điều 11 Bộ luật dân sự 2015).